RŨ BỎ TRONG AN BÌNH

 

 (Viết nhân lễ tiểu tường Ôn-Hoà thượng Trí Chơn)

 

Thích Nữ Nguyên Thiện

 

 

Giờ này nơi kia, Ôn đang cùng với các vị Bồ tát dạo chơi trong ao báu; thì nơi đây, chúng con vẫn lặn hụp trong biển đời mênh mông. Một năm đi qua, là một năm chúng con cảm nhận được nỗi mất mát, hụt hẫng khi vắng Ôn.  Tuy Ôn không phải là bậc tôn sư khai đạo đầu đời cho chúng con, nhưng từ khi biết Ôn, chúng con có thêm sự ân cần dạy dỗ. Cuộc đời và sự hành hoạt của Ôn, thật đáng trân trọng, Ôn đã để lại lắm kỳ tích. Những cây bút yêu đạo mến đời, muốn phác họa một chân dung của bậc chân tu trong thời hiện đại, thì Ôn một nhân chứng điển hình.

Cuộc đời Ôn như một bức tranh thủy mặc, đơn sơ và bình dị, cái bình dị phẳng phiu nên dể đi vào lòng người. Cái bình dị đó đã trải suốt chiều dài hơn năm mươi năm, từ Việt sang Ấn, từ Đông sang Tây. Trên sách báo, nơi tạp chí, trong lòng người, hay nơi những mái chùa xa xôi vùng đông nước Mỹ. Trên những chuyến buýt, ngày đi đêm đến, bất chấp lạnh nóng nắng mưa. Ngoài những công trình vĩ đại như trước tác dịch thuật, Ôn còn dành thời gian để đến những nơi có chùa mà thiếu tăng ni hướng dẫn, đến từng nhà thăm từng người, động viên an ủi các phật tử chung lo Phật sự. Vào cuối thập niên 70, 80, người Việt mình mới đến, mọi sinh hoạt của đời sống tối thiểu của gia đình còn nhiều thiếu thốn khó khăn nói chi đến chùa chiền. Tuy vậy, nơi nào cần Ôn đến, việc xong rồi Ôn đi.  Ôn mang thân hình nhỏ thó, nhưng chí nguyện kiên cường, một mình lặng lẽ, từ bang này sang bang khác, dựng chùa tạo tự, cho những người con Phật tha phương, có nơi trở về, sưởi ấm tâm linh, bớt chạnh lòng thương quê nhớ nước.

Người đời viết về Ôn với muôn màu muôn vẻ, có người phác họa Ôn, như một vị thầy làng, bình dân và giản dị, gần gũi mà bao dung. Lại có người, tôn Ôn như bậc thánh nhân, ung dung giữa đời thường, rồi là nhà văn hóa lỗi lạc, là nhà giáo dục đại tài, dạy người qua tấm thân gầy, khiêm cung và chăm chỉ, với những bài pháp không lời, mà thế hệ chúng con ngày nay và ngày sau cần phải học.

Kính lạy giác linh Ôn, con nhớ lần đầu gặp Ôn, hầu chuyện với Ôn, chúng con cảm nhận nơi Ôn, tình tông môn huyết thống.  Một bậc cao tăng xuất chúng, với những mảnh bằng học vị trong tay, con không biết có ai bình dị hơn thế nữa.  Ôn mặc chiếc áo nâu bạc màu cũ kỹ, nói chuyện với chúng con, Ôn gọi con xưng là thầy, chúng nghe lòng mình ấm lại sau bao năm trường đăng đẳng xứ người, thiếu lời răn dạy của bậc tôn sư.

Có lần con rất cảm động khi nghe một phật tử kể chuyện về Ôn. Chuyện kể rằng vào một mùa đông tuyết phủ, ngôi chùa của họ chưa có vị trụ trì, ngoài Ôn ra, họ rất khó khăn để mời thỉnh một vị Tăng hoặc Ni về trong các dịp lễ vía, lần đó họ thỉnh Ôn, theo dự trù Ôn đến chuyến xe buýt lúc 5 giờ chiều, nhưng đợi mãi đến 9 giờ tối vẫn không thấy Ôn đâu, đêm càng về khuya, trời càng lạnh, tuyết càng phủ cao, nên họ đành ra về, sáng hôm sau họ nhận tin Ôn đến vào chuyến xe trễ lúc nửa đêm, vì trời mưa đá, khi họ đến trạm xe, thấy Ôn co ro trong chiếc áo khoác mỏng manh không đủ ấm, mẫu bánh mì ăn dở, còn nằm hờ bên ngoài cái ngăn kéo xách tay, vì sợ phật tử mất giấc ngủ ngon nên Ôn đành kiên nhẫn suốt đêm chờ sáng ở trạm xe buýt. Ôn ơi! Chúng con là con cháu của Ôn, sao mà cách xa ngàn dặm, chưa đói đã than, chưa mưa đã sợ ướt, càng nghĩ về Ôn, chúng con càng hổ thẹn với lòng mình…

Đức Thế Tôn 45 năm thuyết pháp độ đời, nhưng cuối cùng Ngài di huấn: “Như Lai chưa nói một lời nào”.  Ôn lập không biết bao nhiêu cảnh chùa, nhưng Ôn không trụ một nơi nào, đó không phải là việc dễ làm. Chính nhờ cái vô trụ đó mà khi Ôn nằm xuống, Tăng ni Phật tử khắp nơi, về với nhau bằng một sẵn lòng, để chung lo hậu sự. Từ quý Ngài cao tăng trong giáo hội, trong môn đồ, cho đến quý thầy, quý sư cô trẻ, không phải khó khăn để họp hành bàn bạc nhiều. Chúng con học được nơi đây, cái không an lạc hơn cái có, cái ít đỡ rắc rối hơn cái nhiều, và cái vô trụ lại càng thong dong tự tại.

Cả cuộc đời Ôn không muốn làm phiền ai, Ôn luôn chọn lựa những gì đơn giản, cái đơn giản nhất trong muôn ngàn cái đơn giản giữa đời thường. Lúc Ôn lâm bệnh, nhiều người thỉnh Ôn đi bệnh viện, Ôn như đã “dự tri thời chí” nên Ôn bình thản dạy “Có thân thì có bệnh, có sanh thì có tử, khi khổ có nước cam lồ của Bồ Tát Quán Âm, khi bệnh có thuốc của Ngài Dược Sư, khi hết duyên Ta Bà, có Phật Di Đà tiếp rước, tụi con niềm tin không kiên cố nên cứ lao xao lo sợ, hãy niệm Phật đi.”  Rồi Ôn lật lại từng trang giấy nhỏ trong cuốn sổ tay ra, việc gì cần làm, nơi nào cần giúp, lời dặn dò cho người ở lại… Ôn làm xong mọi chuyện, sau hai ngày sau Ôn bình thản ra đi trong sự an bình và rũ bỏ.

Lại thêm một mùa sen sắp nở, trong hàng giáo phẩm thiếu Ôn, như thiếu đi bậc thạch trụ, trường Hạ Phật Học Viện vắng Ôn, chúng con cảm thấy bơ vơ lạc lõng, nhớ Ôn đến quay quắt, nước mắt không cầm được, cứ mỗi lần đi ngang trước căn phòng nhỏ của Ôn, vì nơi đó, đã bao lần chúng con xúm xít bên Ôn, sau mỗi lần tan trường mãn hạ.

Con xin lạy Ôn, với trọn tấm lòng quý kính nhân ngày lễ tiểu tường Ôn

Đầu xuân Nhâm Thìn,

Kính lễ,

Đệ tử, Nguyên Thiện

 

 

 

 

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Magazine
Last modified: 02/29/12