ỨNG THÂN PHẬT

ĐẠO TỪ trong Lễ Cung Nghinh và Chiêm Bái Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới, tại Tu Viện Chân Không, Hawaii, Hoa Kỳ, ngày 27 & 28.11.2010

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

 

Kính bạch chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni,

Kính thưa chư vị quan khách,

Kính thưa quý vị đại diện các tổ chức, đoàn thể, cơ quan truyền thông báo chí,

Kính thưa chư Phật tử,

 

Chúng tôi từng nghe các bậc cổ đức nói rằng “Thật tế lý địa bất thọ nhứt trần, vạn sự môn trung bất xả nhứt pháp.” Nghĩa là trên bình diện thực chứng bản thể tuyệt đối thì không có pháp nào khả đắc, nhưng trên bình diện diệu dụng phương tiện thì không bỏ một pháp nào. Bởi vậy, mười phương chư Phật trong ba đời đều thị hiện đầy đủ Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Thân. Pháp Thân là bản thể vô tướng. Báo Thân là thành tựu của công năng tu tập với vô lượng thắng phước. Ứng Thân là diệu dụng của Phương Tiện Trí  qua hình tướng để cứu độ chúng sinh. Không có Ứng Thân thì Phật tánh không lấy gì để biểu thị và chúng sinh cũng không thể nào tiếp cận được với Phật Thân. Cho nên, Ứng Thân là phương tiện cần thiết để hóa độ của chư Phật.

Trong ý nghĩa đó, Phật tượng chính là dạng thức biểu tượng để phô diễn Ứng Thân Phật. Vì vậy cho nên trong Kinh, đức Phật dạy người cúng dường xá lợi, tôn tượng Phật và Bồ Tát thì có được nhiều công đức thù thắng. Tôn tượng Phật Ngọc Hòa Bình được tạc từ khối ngọc tinh khiết và quý giá nhất trên thế giới này. Đây là một trong những biểu tướng giá trị về mặt nghệ thuật và tâm linh qua hình tượng của Ứng Thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Điều đặc thù hơn nữa vì đây là tôn tượng đại biểu cho tinh thần hòa bình của Phật Giáo đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 và Đại Sư Zopa Rinpoche nhất tâm chú nguyện và xưng tụng.

Nhưng, vấn đề không đơn giản là khi tôn tượng Phật Ngọc đến đâu thì tự nhiên hòa bình có mặt ở đó. Hòa bình đích thực chỉ có mặt ở những nơi nào mà mầm mống của sân si, thù hận, và tham tàn đã thực sự được chuyển hóa. Mầm mống của sân si, thù hận và tham tàn trú ẩn ngay trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Và những mầm mống này sẵn sàng vùng dậy trong mỗi tâm niệm, mỗi sát na nếu chúng ta không biết cách chế ngự hay chuyển hóa. Thảm họa mà con người đã và đang chứng kiến cũng như gánh chịu do mầm mống của sân si, thù hận và tham tàn thao tác trên cõi đời này thì không sao kể xiết. Cuộc đời vì vậy, khổ não thì triền miên và dẫy đầy, còn hạnh phúc thì ngắn ngủi và hiếm hoi. Cho nên trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật dạy rằng “Ba cõi không an giống như nhà lửa!” Chính trong thực trạng khổ đau ấy mà hòa bình mới trở thành giá trị vô ngần cho cuộc sống của nhân loại.

Khi chiêm ngưỡng tôn tượng Phật Ngọc, chúng ta nhất tâm quán tưởng đến những đức tướng cao cả và tôn quý của đức Phật Ứng Thân Thích Ca Mâu Ni. Những đức tướng ấy chính là lòng từ bi cứu độ vô lượng và trí tuệ giác ngộ siêu việt của Ngài. Quán tưởng như vậy để chúng ta vừa phát khởi tâm kính ngưỡng đức Phật, vừa thệ nguyện thực hành theo lời dạy cao quý của Ngài nhắm đến mục tiêu chuyển hóa những mầm mống của sân si, thù hận và tham tàn. Khi mỗi người chúng ta đều nỗ lực chuyển hóa tham, sân, và si ngay chính tự thân mình có được hiệu quả, thì đó chính là cách chúng ta góp phần vào việc xây dựng nền hòa bình cho thế giới.

Làm được như vậy thì việc cung nghinh và chiêm bái tôn tượng Phật Ngọc hôm nay mới đích thực đem lại hòa bình cho cá nhân, gia đình, xã hội và toàn thể nhân loại. Đó cũng chính là ý nghĩa cao quý và thiết thực của Đại Lễ Cung Nghinh và Chiêm Bái Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới.

Trong niềm hoan hỷ vô lượng, xin thay mặt chư tôn đức Tăng, Ni, chúng tôi thành tâm tán thán công đức của Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Chân Không Thích Thông Hải cũng như chư Tăng, Ni và Phật tử nơi đây đã đem hết tâm lực, trí lực và vật lực để tổ chức Lễ Cung Nghinh và Chiêm Bái Phật Ngọc Hòa Bình hầu mang lại lợi lạc vô biên cho mọi người và góp phần xứng đáng vào công cuộc kiến tạo hòa bình cho thế giới. 

Nam Mô Thập Phương Thường Trú Tam Bảo tác đại chứng minh.

Sa Môn Thích Thắng Hoan,

Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm

GHPGVNTNHK

 

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 01/21/11